Người đi vay cũng như ngân hàng không chỉ quan tâm đến chuyện có vay được hay không mà còn quan tâm đến việc nợ quá hạn. Dù ở vị trí nào thì nợ quá hạn cũng là điều mà bất kì ai cũng đều không muốn bị vướng phải.
Bạn vừa đi du lịch về và nhận được thông báo của ngân hàng rằng khoản vay của mình đã bị quá hạn trả nợ của tháng đó. Liệu tài sản của bạn có bị tịch thu/kê biên? Bạn cần làm gì để giải quyết những hệ lụy phát sinh? Sau đây là những hướng dẫn cho bạn trong trường hợp này:
Thứ nhất, bạn cần hiểu về nợ quá hạn & cách phân loại các khoản nợ quá hạn của Ngân hàng như sau:
Nợ quá hạn là khi đã đến hạn thanh toán hợp đồng vay theo như thỏa thuận về thời gian cho vay mà khách hàng không có khả năng thanh toán được tiền lãi và cả gốc thì được xếp vào nhóm nợ quá hạn.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ quá hạn được phân loại như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn; Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm: Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm: Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Nợ quá hạn trên 360 ngày;
Nếu như trường hợp của bạn, nếu bạn chưa bị quá hạn quá 10 ngày thì khoản nợ của bạn vẫn là Nợ đủ tiêu chuẩn. Ví dụ, Ngân hàng thu gốc/lãi của bạn vào ngày 25 hàng tháng, bạn trả ngày mùng 3 của tháng tiếp theo thì khoản vay của bạn vẫn thuộc nợ Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn. Nhưng nếu đến ngày mùng 6 tháng tiếp theo bạn mới trả nợ thì khi đó nợ của bạn đã bị chuyển thành nợ Nhóm 2 – Nợ cần chú ý.
Ngay khi nhận được thông báo, bạn cần xem lại lịch trả nợ khoản vay của mình & nếu đã chậm thì cần ra ngân hàng nộp ngay số tiền bị chậm (bạn có thể liên hệ cán bộ ngân hàng quản lý khoản vay hoặc trung tâm dịch vụ khách hàng qua hotline của các ngân hàng).
Tác hại của nợ quá hạn:
Theo quy định, tất cả thông tin của người vay vốn (số tiền vay, nhóm nợ, tài sản đảm bảo…) đều được các Ngân hàng báo cáo về Ngân hàng Nhà nước và đều được lưu ở Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN (Trung tâm CIC). Việc để nợ sẽ làm giảm uy tín cũng như điểm tín dụng của bạn. Đây sẽ là một trong những khó khăn đầu tiên mà ngân hàng sẽ chú ý nếu bạn có ý định tiếp tục vay vốn từ ngân hàng. Nếu bạn có lịch sự chậm nợ từ trên 10 ngày trở lên, hạn mức vay cho khoản vay tiếp theo của bạn có thể bị giảm & lãi suất có thể sẽ tăng lên, việc phát hành/sử dụng thẻ tín dụng của bạn tại các ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Còn nếu bạn chậm nợ trên 90 ngày thì gần như bạn sẽ không thể tiếp tục vay vốn/sử dụng thẻ tín dụng tại ngân hàng nữa.
Vì vậy, để duy trì lịch sử tín dụng tốt & thuận lợi cho các lần vay sau (lãi suất thấp hơn & hạn mức cao hơn), bạn nên lưu ý nộp tiền trả nợ gốc & lãi đúng hạn và đầy đủ (dù chỉ thiếu 1 đồng thì khoản vay của bạn vẫn bị tính quá hạn).
=> Có thể bạn quan tâm: “Quy trình thu nợ quá hạn của ngân hàng như thế nào?”